Chị Chồng – Tổ Trưởng Tổ Drama

Chương 4



16

“Tự nhìn lại tôi với Từ Gia Bình đi, hai vợ chồng sống với nhau bao nhiêu năm nay, có khi nào đòi ba mẹ một đồng nào chưa? Ba mẹ bệnh, chuyện dưỡng già, ăn uống sinh hoạt chẳng phải đều do tụi tôi lo hết sao?”

“Giờ thì hay rồi, tới lúc quản tiền thì chị lại nhảy ra giành cho bằng được!”

Chị chồng sụt sùi như thể mình mới là người bị oan:

“Không phải tại tao không có tiền sao? Có tiền thì tao chẳng biết hiếu kính với ba mẹ chắc?!”

“Không có tiền cũng phải có tấm lòng! Sống cho đàng hoàng trước đi rồi hãy tính chuyện khác. Chứ suốt ngày làm loạn như cái cây khuấy phân, khiến cả nhà không ai yên ổn!”

“Đừng có chằm chằm nhìn vào đống tiền ba mẹ để dành dưỡng già nữa. Tiền mà đưa cho Từ Gia Bình giữ thì đời này nó vẫn mang họ Từ, chứ rơi vào tay chị thì ai biết sẽ trôi về đâu? Huống hồ gì, giờ mẹ chồng chị cũng thành mẹ kế của ba rồi, chị với người ta mới là người một nhà!”

Lập luận của tôi chặt chẽ không kẽ hở, khiến Từ Gia Huệ nhất thời ngắc ngứ không biết phản bác thế nào.

Cuối cùng, chị ta nổi đóa:

“Cho dù phải kiện ra tòa, thì số tiền đó cũng có phần của ba tao!”

Mẹ chồng nghe tới đây thì vỡ trận hoàn toàn.

Bà vung tay tát một cái thẳng vào mặt chị chồng:

“Kiện à? Mày định kiện ai? Muốn ba mày ra tòa kiện mẹ mày đúng không?”

“Mày muốn chia tiền cho ba mày rồi ba mày đem đi nuôi mẹ kế mày hả? Mẹ hiểu rồi, mày đúng là có tính toán đen tối thật!”

“Từ Gia Huệ, từ hôm nay mẹ không có đứa con gái nào như mày nữa!”

Nói rồi mẹ chồng ném thẳng túi xách của chị ta ra ngoài cửa.

“Mày biến ngay cho tao!”

Ngoài hành lang, hàng xóm láng giềng lại được dịp hóng chuyện, từng cái đầu ló ra xem không sót một cái.

Chị chồng mất mặt tới mức khóc lóc chạy xuống lầu.

Từ Gia Bình ngồi an ủi mẹ chồng đang khóc rấm rứt.

Tôi ngồi trên giường, trong lòng chỉ lặng lẽ suy nghĩ: cuộc sống sau này rồi sẽ ra sao đây?

17

Sợ mẹ chồng có chuyện, Từ Gia Bình quyết định ở lại nhà trông bà.

Chưa tới mấy hôm, mẹ chồng đích thân đến tìm tôi, bảo tôi quay về.

“Mạt Lỵ à, trước kia là mẹ hồ đồ, nhẹ dạ cả tin, bị Gia Huệ xúi bẩy. Mẹ không ngờ mọi chuyện lại thành ra như vậy…”

“Giờ mẹ đã nhìn rõ rồi, ba con với Gia Huệ chẳng ai thật lòng với mẹ cả. Sau này mẹ chỉ muốn yên ổn sống cho hết đời thôi.”

“Mẹ hứa, sẽ chăm sóc Cẩn Nhi thật tốt. Sau này thấy con nít chạy nhảy trước mắt, mẹ cũng không còn thấy bực bội nữa.”

Nghe bà nói thế, tôi không lên tiếng, cũng không tỏ thái độ.

Ngược lại, ba mẹ tôi lại nói đỡ cho mẹ chồng, khuyên nhủ rất lâu, cuối cùng cũng thuyết phục tôi quay về.

Nể mặt Từ Gia Bình, tôi chuyển về nhà chồng.

Mẹ chồng cũng thay đổi hoàn toàn, cần mẫn, hiền hòa, chăm sóc cháu kỹ lưỡng hơn hẳn trước đây.

Tôi và Từ Gia Bình cũng yên tâm đi làm.

Thời gian trôi qua được vài tháng, khi mọi chuyện dường như đã trở lại yên bình, thì một tin dữ từ phía chị chồng lại ập đến.

Hứa Cường – chồng của Từ Gia Huệ – xảy ra xung đột với ba chồng tôi, trong cơn nóng giận đã đẩy ông té từ trên cầu thang xuống.

Tôi và Từ Gia Bình lập tức đến bệnh viện, nhưng lúc đó ba đã được đưa vào phòng mổ.

Sau đó ông vẫn giữ được mạng, nhưng nửa thân dưới đã liệt hoàn toàn.

Từ Gia Bình tức đến run người, lập tức báo cảnh sát.

18

Chị chồng quỳ rạp dưới đất, nước mắt nước mũi tèm lem, van xin mẹ chồng và Từ Gia Bình tha cho chồng mình.

Tuy ba mẹ chồng vẫn chưa ly hôn, nhưng mẹ chồng thì đã hoàn toàn nguội lạnh.

“Gia Bình à, mấy chuyện này con với Mạt Lỵ tự quyết đi, mẹ mệt mỏi lắm rồi.”

Nói xong bà đi thẳng vào phòng, khóa trái cửa lại, không thèm trả lời gì thêm.

Chị chồng thấy không trông mong được gì từ mẹ, đành quay sang gào khóc với Từ Gia Bình:

“Anh nhất định đừng để anh rể vào tù! Nếu ảnh mà bị bắt, tương lai của hai đứa nhỏ coi như tiêu rồi!”

Mặt Từ Gia Bình lúc này đen như than:

“Chị còn mặt mũi mà khóc? Mọi chuyện bắt đầu từ chị hết đấy! Giờ ba bị liệt, chị vẫn chỉ biết nghĩ đến thằng chồng chị thôi sao?!”

Chị ta khóc sụt sùi, không chịu đứng lên.

Lúc này Hứa Cường cũng đã hiểu cái giá phải trả cho một phút bốc đồng. Hắn cũng quỳ xuống đất, cầu xin Từ Gia Bình:

“Anh à, vì nể mặt thằng cháu ngoại, tha cho tôi một lần. Tôi Hứa Cường sau này có làm trâu làm ngựa cũng sẽ báo đáp anh!”

Tôi liền tiếp lời:

“Không cần chờ tới sau này đâu. Bây giờ cho anh một cơ hội để chuộc lỗi đây.”

Chị chồng nôn nóng hỏi:

“Cơ hội gì?”

“Ba bị liệt rồi, sau này ai chăm sóc ông ấy? Tụi tôi có thể không kiện anh rể, nhưng từ giờ trở đi, chuyện dưỡng già, chăm sóc ba – đều là trách nhiệm của hai người.”

Chị chồng và Hứa Cường lập tức sững người, cúi đầu không nói nổi một câu.

Dĩ nhiên là bọn họ không muốn. Chăm một người liệt nửa người, vừa cực, vừa tốn, lại vướng víu.

Nhưng tôi cũng chẳng phải cái thùng nước rỗng để người ta múc mãi không hết.

Ba chồng đã chơi bời đủ rồi, thì cũng đừng mong quay về hưởng phúc.

Còn mẹ chồng, nếu bà ta khôn ra, thì cứ yên ổn sống với tụi tôi.

Còn nếu động lòng thương xót, muốn quay lại với ông ta, tôi sẵn sàng một vé khứ hồi tiễn hai người về quê dưỡng già.

Nói trắng ra là: ai muốn sống sao thì tôi chiều, tôi chỉ không chịu khổ thay người khác.

Từ Gia Bình cũng đã nghĩ thông suốt, liền mất kiên nhẫn gằn giọng:

“Suy nghĩ cho kỹ đi, muốn ngồi tù hay là chăm ba tôi?”

19

Chị chồng vẫn không cam lòng, giọng nghẹn ngào đáng thương nói với tôi:

“Mạt Lỵ à, em cũng biết dạo này chị khổ sở lắm mà…”

Tôi không thèm đợi chị ta than vãn xong, quay sang Từ Gia Bình dứt khoát:

“Đừng lằng nhằng nữa, báo công an đi.”

Từ Gia Bình lập tức cầm lấy điện thoại.

“Bọn tôi chăm! Chăm là được chứ gì!”

Hứa Cường gào lên trong tuyệt vọng.

Tôi và Từ Gia Bình nhìn nhau, anh không nói gì, rồi nhẹ nhàng đặt điện thoại xuống.

“Haizz…” Hứa Cường ngồi bệt xuống đất, ôm đầu như thể cả thế giới sụp đổ.

Tôi mặt lạnh như tiền, móc điện thoại ra gọi:

“Tôi gọi luật sư tới ký thỏa thuận.”

Chị chồng vội vàng ngăn tôi lại:

“Bọn em đã đồng ý rồi, chị còn muốn làm gì nữa?”

“Tôi cần sự ràng buộc pháp lý.”

Luật sư nhanh chóng có mặt.

Trước mặt luật sư, tôi và Từ Gia Bình cùng chị chồng ghi rõ từng điều khoản về việc chăm sóc ba chồng.

Từ nay về sau, tất cả việc liên quan đến ba – từ y tế, ăn ở, sinh hoạt – đều do Từ Gia Huệ và Hứa Cường phụ trách.

Nếu hai người họ ly hôn, thì toàn bộ trách nhiệm sẽ do Hứa Cường một mình gánh.

Ngoài ra, chị chồng tự nguyện từ bỏ quyền thừa kế tài sản của ba mẹ.

Khi đọc đến điều cuối cùng, chị ta cắn môi thật lâu, vẫn chưa ký.

Hứa Cường nóng ruột:

“Ký nhanh đi! Cô hại tôi đến mức này còn chưa đủ à? Muốn tôi vô tù luôn hay sao?!”

Cuối cùng, chị ta vừa khóc vừa ký tên vào bản thỏa thuận.

Thật ra, nếu ngay từ đầu chị ta đối xử tử tế với tôi, tôi cũng chẳng đến mức tính toán như vậy.

Dù gì, chị ta và Từ Gia Bình đều là con cái ba mẹ chồng, vốn dĩ nên có quyền và nghĩa vụ như nhau.

Nhưng chị ta hết lần này tới lần khác thủ đoạn, lòng dạ đen tối không đáy.

Đã vậy, chị càng muốn cái gì – tôi càng không để chị có được cái đó.

20

Trước đây, chị chồng quậy cho nhà tôi chẳng ngày nào yên.

Giờ thì hay rồi, tới phiên nhà chị ta tanh bành như nồi lẩu bị úp ngược.

Mẹ chồng của chị ta cũng khôn lắm, nghe tin ba chồng tôi bị liệt là không thèm bén mảng tới bệnh viện một lần.

Sau khi xuất viện, vợ chồng chị chồng định mang ba về nhà mẹ chồng chị ta gửi.

Kết quả là bà kia đổi khóa cửa, đóng im ỉm, mặt dày cỡ nào cũng không chịu mở.

Vợ chồng chị chồng đứng ngoài khô họng, lưỡi rụng, mà bà vẫn lạnh như tiền.

Chỉ lạnh nhạt quăng một câu:

“Tôi với ông ấy không có quan hệ pháp luật gì hết, trước giờ chỉ gọi là qua lại vài bữa thôi.”

Ba chồng tôi nghe vậy, nằm trên cáng tức đến trào nước mắt.

Cuối cùng, ông vẫn phải quay về sống chen chúc trong cái nhà nhỏ của chị chồng.

Còn mẹ chồng tôi thì gần như cắt đứt liên lạc với chị ta.

Điện thoại không nghe, tin nhắn không trả lời.

Trong thời gian đó, chị chồng từng đến nhà một lần.

Người thì tiều tụy, gầy rộc đi cả vòng, vẻ mặt mỏi mệt như người sắp đổ bệnh.

Chị ta tha thiết cầu xin:

“Mẹ ơi, con thật sự không chịu nổi nữa… Ba bị liệt xong tính tình thay đổi, dễ cáu gắt, cực khó chăm. Mẹ có thể…”

“Không thể. Nếu không chịu nổi thì đi mà tìm mẹ chồng con. Dù sao chồng mẹ từng giúp bà ấy chăm chồng, giờ bà ta cũng nên báo đáp rồi.”

Tôi lặng thầm vỗ tay cho sự tỉnh ngộ muộn màng nhưng đầy dứt khoát của mẹ chồng.

Chị chồng thấy không lay chuyển được, lại ôm mặt khóc lóc rời đi.

21

Ba chồng bị liệt chưa tròn một năm thì đột ngột qua đời.

Trong suốt thời gian đó, tôi, Từ Gia Bình và mẹ chồng chẳng ai tới thăm ông.

Chỉ nghe dì ba từng đến, kể lại:

“Hứa Cường nhét ba mày nằm ngoài ban công.”

“Trời nóng thì phơi nắng, mùa đông thì lạnh cắt da. Ba mày khổ không kể xiết!”

“Với lại… tôi nhìn thấy vết thương cũ chưa lành, lại thêm vết mới, quần áo không đủ che, nhìn mà tội hết biết!”

Tôi chỉ cười nhạt, không nói gì.

Dì ba hỏi khẽ:

“Chứ… chị không thấy cái chết của ba chồng có gì bất thường sao? Không tính điều tra à?”

Tôi trả lời nhẹ nhàng:

“Mẹ chồng không có ý kiến gì. Tôi là con dâu, không tiện chen vào.”

Vừa nói vừa cười tươi tiễn dì ba về.

Chuyện đó cũng coi như kết thúc ở đây.

Còn việc ba chồng chết có phải “tự nhiên mà mất” không, ai quan tâm?

Sớm hay muộn thì cũng là cái kết cho một ông già ích kỷ, phản bội vợ con.

Miễn là chị chồng thấy lòng mình yên, thì tôi cũng ngủ ngon mỗi đêm.

Bởi vì…

Thời đại này luôn có cách riêng để đào thải những thứ trái với đạo lý.

Người thường như tôi, chỉ cần đứng ngoài mà xem — không cần phí tâm.

(Toàn văn hoàn)

 

Chương trước
Loading...